Ngoisao.net: 9X dốc hết tiền tiết kiệm để khởi nghiệp với đồ nội y
Bỏ việc với mức lương nghìn đôla, Cát Tường xây dựng được 4 cửa hàng từ công việc được xem 'không xứng với bằng cấp du học'.
"Tại sao du học về, có công việc ổn định rồi lại đi may đồ lót?", người họ hàng chất vấn ba mẹ khiến Đinh Nhật Cát Tường cảm thấy buồn tủi. Trong suy nghĩ của người thân Cát Tường, nội y, đồ ngủ hay đồ mặc nhà không được coi là thời trang. Cô gái 27 tuổi khởi nghiệp trong sự hoài nghi của gia đình, người nhà: Liệu thiết kế phân khúc đó có ai chịu mua với mức giá 300.000-500.000 đồng?
Sau bốn năm học chuyên ngành Kinh tế tại Singapore, Cát Tường về nước và nhanh chóng kiếm được công việc ổn định với mức lương 25 triệu đồng mỗi tháng. Thế nhưng, cô quyết định nghỉ việc khi đi làm chưa đầy một năm.
"Cuộc sống sáng đi, tối về khiến tôi gần như không có thời gian làm được thêm bất cứ điều gì yêu thích. Quá chán nản trong guồng quay ấy, tôi rời bỏ công ty", bà chủ 9X chia sẻ.
Nghỉ việc, Cát Tường chưa nghĩ ra dự định gì cho hướng đi tiếp theo, trong khi bố mẹ cô như "ngồi trên đống lửa", lo cho tương lai bấp bênh của con gái. Bố mẹ hết lời khuyên nhủ Cát Tường nhưng cô vẫn quyết tâm thực hiện điều gì đó cho riêng bản thân.
Đinh Nhật Cát Tường sáng lập thương hiệu Sexy Forever. |
Khởi nghiệp với 50 triệu đồng tiền tiết kiệm
Với Cát Tường, những mẫu nội y, đồ ngủ gợi cảm, chất lượng luôn có sức thu hút. Nó không chỉ mang lại sự thoải mái mà còn tôn lên vẻ đẹp nữ tính của người phụ nữ, giúp họ tự tin hơn. Cô nhận ra mẫu mã phân khúc này ở Việt Nam không cập nhật nhanh như ở nước ngoài.
"Những người ở độ tuổi ngoài 20 như tôi cần kiểu dáng đa dạng, trẻ trung hơn", cô chủ xinh đẹp lý giải.
Ban đầu, Cát Tường tính nhập hàng về bán. Gần 4 tháng đi tìm nguồn ở các chợ tại TP HCM, thậm chí qua Quảng Châu, Trung Quốc, cô vẫn không thể tìm thấy mẫu mã, chất lượng ưng ý. Khi dùng thử, Cát Tường cảm nhận các mẫu cotton không thấm hút tốt, bị xù vải sau vài lần giặt, hàng lụa khá thô ráp, kiểu dáng không đa dạng. Cô nảy ra ý tưởng táo bạo: "Sao mình không tự may?"
Đến giờ, Cát Tường vẫn cảm thấy quyết định của mình điên rồ, bởi cô không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực may mặc.
"Nếu biết trước con đường sẽ đi khó khăn đến thế, có lẽ tôi đã chùn bước ngay lúc đầu. Nhưng vì không biết gì nên tôi làm chỉ vì thích", Cát Tường nhớ lại.
Với số vốn 50 triệu đồng từ tiền tiết kiệm, Cát Tường mua máy may, vải ren cùng nguyên phụ liệu. Cô chỉ mua chiếc máy may đường thẳng mà không ngờ may nội y cần nhiều loại máy hơn nhiều. Tự vẽ thiết kế mẫu áo lót, Cát Tường quan sát từng đường kim, mũi chỉ trên các sản phẩm nước ngoài, kết hợp xem video, đọc tài liệu hướng dẫn để bắt tay may bộ đồ đầu tiên. Nhưng do thiếu kinh nghiệm nên cô phải may đi may lại nhiều lần. Chiếc máy cũng hỏng sau một tháng sử dụng.
"Đó là thời gian tôi dành công sức và tiền bạc để mày mò thử máy, tập may", Cát Tường cho hay.
Thiết kế đồ ngủ của Cát Tường. |
Hành trình thử thách bản thân và chứng minh với gia đình
Cát Tường gần như không thấy mệt mỏi khi ngồi bên máy từ sáng sớm đến tối khuya. Một tuần sau, sản phẩm đầu tiên ra đời sau trong niềm vui sướng xen lẫn nỗi lo lắng. Cô hồi hộp không biết liệu mẫu thiết kế có được lòng đối tượng 18-35 tuổi không, hay khách hàng có quan tâm đến đồ nội y hay không? Nhiều câu hỏi "nhảy múa" trong đầu khiến Cát Tường đánh bạo chụp hình và đăng lên trang cá nhân, bán với giá 150.000 nghìn đồng. Cô quyết định để mức giá đấy vì chưa thật sự tự tin vào tay nghề.
Tuần đầu tiên, Cát Tường nhận được hai đơn đặt hàng. Nhưng tuần tiếp theo, con số này đã tăng lên 10. Cát Tường vừa mừng vừa lo, không biết có may kịp cho khách. Cát Tường mua chiếc máy may đa năng, có thể may nhiều loại mũi sau hai lần đổi máy, giúp đẩy nhanh năng suất. Ngoài những ngày miệt mài may hàng, cô dành thời gian rảnh để đi khắp nơi tìm thêm nguyên phụ liệu phù hợp và thiết kế mẫu mới.
"Tôi thiết kế nhiều, nhưng chỉ lấy được ít mẫu, do chưa biết cách nên bản vẽ và thực tế khi may xong không khớp nhau", Cát Tường chia sẻ.
Sau ba tháng, Cát Tường quyết định lập fanpage, tạo dựng thương hiệu riêng và bắt đầu có nhiều khách hơn. Vui mừng với những bước tiến mới, Cát Tường khoe với gia đình, nhưng ba mẹ vẫn chưa thực sự tin tưởng cô có thể theo đuổi công việc này lâu dài. Điều khiến cô thấy được an ủi nhất là bạn trai vẫn luôn hết lòng ủng hộ và giúp đỡ trong việc makerting sản phẩm.
Bạn trai cũng trở thành người phụ trách chính cho thương hiệu nội y của Cát Tường. Không ít lần chuyện công việc ảnh hưởng đến tình cảm của Cát Tường và người yêu, nhưng đó cũng là cơ hội để cả hai lắng nghe và nhường nhịn nhau hơn.
9x tự thiết kế tất cả sản phẩm của thương hiệu. |
Khi bắt đầu có lợi nhuận, nữ doanh nhân trẻ sử dụng để tái đầu tư, mua thêm loại máy mới và thử kết hợp ren cùng các loại vải khác như satin, lụa, voan, chiffon...., đồng thời mở rộng ra thị trường đồ ngủ, đồ mặc nhà. Cát Tường quyết định đăng ký khóa học may để có thể tạo ra sản phẩm chất lượng cao và chuyên nghiệp hơn.
"Tôi gần như quay cuồng bởi phải sắp xếp giữa thời gian học, may đồ cho khách, giao hàng, nghĩ mẫu mới và may thử nghiệm", Cát Tường nói.
Cuối năm 2015, Cát Tường mở cửa hàng đầu tiên tại nhà, với mong muốn khách đến trực tiếp xem và thử sản phẩm. Công việc kinh doanh cũng dần phát triển, doanh thu năm 2017 tăng 300% so với năm trước. Kết quả này là bàn đạp để cô mở thêm ba cửa hàng nữa tại quận 1 và quận Phú Nhuận trong năm 2017, với đội ngũ nhân viên 15 người.
Hiện bà chủ trẻ đảm nhận công việc sáng tạo, thiết kế kiểu dáng sản phẩm, với hơn 100 mẫu đang được bày bán. Nhìn lại hành trình của mình, Cát Tường cho rằng có được thành quả như bây giờ là nhờ may mắn và quyết tâm không bỏ cuộc. Trong năm 2018, cô sẽ hợp tác và mở thêm nhiều cửa hàng, đại lý liên kết ở TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng... để sản phẩm tiếp cận đến nhiều khách hơn.
Giờ sản phẩm đã đặt xưởng gia công, nhưng Cát Tường vẫn giữ lại chiếc máy may ngày nào, như lời nhắc nhở về những khó khăn đã qua và nỗ lực hơn trong chặng đường sắp tới.